Đang còn là sinh viên hoặc vừa mới ra trường có nên đi làm thực tập không lương hay không?
Bạn đi thực tập cho dù có được trả lương hay không được trả lương, thì môi trường bạn thực tập vẫn là môi trường cho bạn những cơ hội để bạn tích lũy thêm những kinh nghiệm làm việc trong môi trường làm việc của bạn sau này. Thực tập không lương hay thực tập được trả lương đều sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về những kiến thức và năng lực của bản thân trong công việc. Tất nhiên, bạn cũng sẽ nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn vô cùng tận tình và chu đáo từ những đồng nghiệp, cấp trên của bạn trong môi trường làm việc mà bạn thực tập. Dưới đây là bài viết lapnghiep.net tổng hợp được, mời các bạn đọc tham khảo
- Nhảy việc một cách khôn khéo cho người mới đi làm
- Lựa chọn hướng đi mới tự tạo công việc bằng affiliate marketing
**
Lương thực tập là gì? Doanh nghiệp sẽ trả lương thực tập cho thực tập sinh khi nào?
Lương cho Thực tập sinh có lẽ là một trong những chủ đề khá nhạy cảm, không chỉ vì nó liên quan đến tiền bạc mà vì có rất nhiều quan điểm trái chiều.
Năm nào cũng vậy, cứ vào đợt sinh viên chuẩn bị thực tập là mình lại nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên:
- "Anh ơi, em đi thực tập có được trả lương hay không ạ?"
- "Sao bạn em được trả lương mà em lại không được thế anh?"
- "Em được dự án Offer thực tập không lương 2 tháng, em có nên nhận lời không ạ?"
...
Mỗi năm, FPT Software nhận đến hàng ngàn SVTT. Có rất nhiều bạn tham gia thực tập tại các lớp đào tạo (campuslink) và cả thực tập tại các dự án, đa phần các bạn sẽ bắt đầu với vị trí thực tập không lương. Nhưng cũng có tỷ lệ không nhỏ (khoảng 30%) các bạn sẽ được nhận lương ngay trong quá trình thực tập. Và cũng không ít trường hợp: mình (team HR) đi "đấu tranh" với các team dự án để đề xuất các anh chị trả lương hoặc trả mức cao hơn cho các bạn SVTT xứng đáng.
Nhân buổi tối rảnh rỗi đợi bóng lăn cho trận chung kết Euro2020, xin chia sẻ cùng các bạn một vài quan điểm và góc nhìn về vấn đề này.
Bài viết này mình viết quan điểm và trải nghiệm cá nhân và có tham khảo một số bài viết publics. Hy vọng qua đây sẽ cung cấp cho các bạn thêm 1 số góc nhìn về việc thực tập để có thể chuẩn bị thật tốt cho công việc tương lai của bản thân mình.
1. Lương thực sự là gì? Vì sao thực tập thường "không lương"?
Phần I:
Theo Luật Lao động 2019: “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc..." Theo định nghĩa này, tiền lương thể hiện rõ bản chất là giá cả của sức lao động trên cơ sở thỏa thuận cho việc thực hiện công việc
Hay hiểu đơn giản Lương là khoản tiền mà doanh nghiệp trả cho người lao động dựa trên cơ sở là giá trị mà người lao động ấy đem lại cho doanh nghiệp.
=> Công thức ở đây là:
- Doanh nghiệp tạo môi trường để con người làm việc.
- Con người tạo ra giá trị, sản phẩm...
- Giá trị đó lại tạo ra tiền cho doanh nghiệp
- Doanh nghiệp lấy 1 phần tiền đó để trả lương và đãi ngộ cho người lao động.
Quy trình ấy lặp đi lặp lại, mang lại mối quan hệ WIN - WIN cho các bên. Bạn đổi sức lao động cho công ty, công ty trả tiền cho bạn.
Quay lại với câu chuyện thực tập: Vậy thực tập sinh mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp?
Rõ ràng, ngoại trừ các bạn xuất sắc - top đầu, hoặc đã có kinh nghiệm làm việc thực tế thì với đa phần các bạn sinh viên khi bắt đầu công việc thực tập thì chưa mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp. Xét về CHẤT LƯỢNG và HIỆU QUẢ công việc của một thực tập sinh không thể so với một nhân viên chính thức, nhiều khi còn xấp xỉ bằng 0.
À mà khoan, gần bằng 0 chứ đâu phải bằng 0. Dù lớn dù nhỏ, viết vài dòng code, fix 1 con bug cũng là giá trị, hoặc làm các việc lặt vặt cho dự án: photo tài liệu, pha nước, pha trà, setup meeting cũng là giá trị mà...
Vậy đi thực tập cũng là đi làm, công ty không trả lương thì là bóc lột còn gì???
Hãy bình tĩnh lại để nhìn nhận: Công ty đã bỏ ra những gì khi nhận bạn vào thực tập?
- Thứ nhất: CHI PHÍ ĐÀO TẠO: Đây có lẽ là khoản chi phí lớn nhất. Với mỗi sinh viên thực tập vào làm việc, công ty/ dự án sẽ cần phải bố trí ít nhất 01 senior để hướng dẫn đào tạo cho bạn. Bạn cứ thử tính nếu công ty trả cho ông senior ấy 20M cho 1 tháng ~ 22 ngày làm việc, mỗi ngày 8h, tức khoảng 115k/h. Vậy mà khi có SVTT, bạn senior ấy phải dành mỗi ngày 1-2h để chỉ bảo, hướng dẫn cho các bạn thực tập. Vậy tính ra công ty đã bỏ 1 khoản chi phí /effort không nhỏ để đào tạo. Chưa kể các trường hợp: tổ chức lớp đào tạo, xây dựng lộ trình, chương trình đào tạo... chi phí sẽ còn lớn hơn nhiều.
- Thứ 2: CHI PHÍ LOGISTIC: Một loạt các chi phí như: máy móc làm việc (PC/máy in...), license các phần mềm sử dụng cho công việc, chỗ ngồi văn phòng, điện nước, vệ sinh... thông thường chi phí này trên 1 đầu nhân viên (bất kể chính thức hay thực tập) sẽ dao động trong khoảng 1-4 triệu/tháng.
- Thứ 3: CHI PHÍ KHÁC: Các chi phí để khắc phục rủi ro (nếu có) gây ra bới SVTT. Ví dụ sinh viên được hướng dẫn code feature A, nhưng do không cẩn thận "lỡ" xóa nhầm vài Database => Dự án phải fix và update lại dữ liệu và deploys sản phẩm muộn hơn dự kiến. Chi phí khác cũng có thể là các chi phí trong quá trình tuyển dụng sinh viên thực tập hoặc chi phí tài trợ giáo dục cho các trường để được nhận SVTT...
Nếu xét tổng tất cả các chi phí này, thì thông thường: Tổng chi phí sẽ lớn hơn nhiều so với giá trị thực sự mà 01 sinh viên thực tập mang lại cho công ty tại thời điểm thực tập. Cũng chính vì lẽ đó mà, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ lựa chọn không/ chưa trả lương cho SVTT.
Vậy, nếu bài toán nhận sinh viên thực tập là bài toán luôn LỖ với doanh nghiệp, vậy tại sao các doanh nghiệp vẫn nhận sinh viên thực tập?
Đứng trên góc độ doanh nghiệp, nhìn chung việc nhận thực tập chính là việc ĐẦU TƯ.
Thông qua việc nhận và đào tạo sinh viên thực tập, doanh nghiệp sẽ xây dựng được đội ngũ nhân viên tương lai của mình, giúp các bạn sinh viên làm quen với công việc và môi trường làm việc của doanh nghiệp. Và rất có thể trong 1 lứa 5-10-20 sinh viên tham gia thực tập kia sẽ có 1-2 bạn "nổi trội hơn", "phù hợp hơn" và trở thành nhân viên chính thức hoặc thậm chí "Key-Person", "Key-Member" của dự án/ công ty trong tương lai.
2. Vậy doanh nghiệp sẽ trả lương cho sinh viên thực tập khi nào?
Như đã trình bày ở trên, việc nhận sinh viên thực tập chính là một hoạt động ĐẦU TƯ cho đội ngũ tương lai của doanh nghiệp
Nếu muốn doanh nghiệp trả lương cho bạn trong quá trình thực tập - tức chấp nhận đầu tư lớn hơn vào bạn - hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một ứng viên có TIỀM NĂNG:
Bạn có kiến thức nền tảng tốt cùng nhiều tố chất để có thể phát triển cùng công ty, đóng góp chất xám và mang về nhiều giá trị cho dự án?
Bạn có thể trở thành một nhân viên với kỹ năng làm việc xuất sắc?
Bạn có thể gắn bó lâu dài với công ty và làm việc chính thức trong tương lai?
...
Nếu bạn thể hiện được những điều này thì mình tin, các dự án/ công ty sẽ sẵn sàng trả lương - trợ cấp cho bạn ngay khi đang là thực tập sinh.
PS: Có thể bạn chưa biết, anh Hoàng Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cũng từng bắt đầu công việc tại FPT với vị trí là một thực tập sinh. Anh từng chia sẻ: “Tháng 10/1993, khi còn là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nghe bạn bè bảo làm việc ở FPT có máy tính, được thực tập thỏa sức và chơi game miễn phí, thế là tôi liền nộp đơn xin việc”
PHẦN II
Mục tiêu dễ thấy nhất khi đi làm của bất cứ người lao động nào, có lẽ là: TIỀN.
Rõ ràng chỉ trừ việc đi làm từ thiện hoặc các công việc thiện nguyện, khi làm bất kỳ công việc nào, điều mà mỗi chúng ta đều mong muốn đó là: Có mức thù lao hoặc được trả lương xứng đáng.
Ngọc Trinh đã chẳng bảo: "Không tiền cạp đất mà ăn!" còn gì
Đúng là tiền rất quan trọng và đáng quý. Tiền lương còn cho thấy việc doanh nghiệp / Leader của bạn đánh giá cao giá trị của bạn mang lại cho công ty, tổ chức như thế nào.
Các Leader/ Giám đốc/ chủ doanh nghiệp chắc hẳn ai cũng đã từng trải qua thời sinh viên với muôn vàn khó khăn và hàng trăm khoản chi phí phải chi trả hàng ngày: Tiền học phí, tiền thuê trọ, tiền điện nước, xăng xe, tiền liên hoan cafe nhậu nhẹt với bạn bè... Một vài triệu với cả một công ty có lẽ không phải khoản tiền quá lớn nhưng với sinh viên thì thực sự là một sự hỗ trợ tuyệt vời.
Bản thân mình cũng rất ủng hộ việc sinh viên thực tập nên được nhận lương và trả công xứng đáng - nếu bạn ấy xứng đáng và có đóng góp giá trị tích cực cho dự án/ tổ chức dù là lớn hay nhỏ. Mức lương ấy đôi khi chỉ cần là khoản hỗ trợ ăn trưa hay xăng xe đi lại hoặc đủ mời bạn bè vài chầu cafe trà đá... cũng đủ làm "ấm lòng" sinh viên thực tập.
Khi có lương/ trợ cấp, chắc chắn bạn thực tập sinh ấy sẽ có trách nhiệm hơn với công việc và có động lực nhiều hơn, cố gắng hơn và đương nhiên kết quả công việc (có thể) cũng sẽ tốt hơn.
3. Liệu có nên đi thực tập CHỈ vì lương?
Tiền lương đúng là rất quan trọng nhưng nó KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ. Vậy những gì mà một sinh viên thực tập nên quan tâm trước khi bắt đầu kỳ thực tập của mình là gì?
Kỳ thực tập về bản chất nhằm mục đích:
- Là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức mang tính lý thuyết đã học và thực tiễn
- Giúp sinh viên chuẩn bị trước những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết trước khi thực sự ra trường và đi làm
- Giúp sinh viên bước đầu xây dựng và tạo lập các mối quan hệ trong công việc
Do đó khi tham gia thực tập, đừng nên chỉ quan tâm và đặt nặng quá mức vấn đề LƯƠNG. Nếu bạn làm tốt và thể hiện được bản thân mình có tiềm năng thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chấp nhận đầu tư và trả bạn mức lương xứng đáng. Ngoài ra, nếu xây dựng nền tảng tốt trong quá trình học & thực tập thì mức lương bạn kiếm được sau này sẽ lớn hơn thế rất nhiều lần. Kiếm tiền cả đời chứ quan trọng gì vài tháng thực tập ít ỏi. Chưa kể, mức lương của thực tập sinh - nếu có - cũng sẽ khó có thể đủ để bạn trang trải cuộc sống. Vì vậy, hãy để mình có một tâm lý thật thoải mái và đừng đặt nặng quá vấn đề tiền lương khi thực tập.
Vậy nếu không phải là lương thì bạn thực tập vì điều gì?
Những yếu tố nào nên được quan tâm khi chuẩn bị bước vào kỳ thực tập?
Theo mình có 2 vấn đề mà một thực tập sinh nên quan tâm và để ý trước khi lựa chọn cho mình một công ty/ môi trường để thực tập:
(1) Môi trường làm việc và cơ hội phát triển:
Hãy tìm hiểu kỹ về công việc thực tập và trả lời các câu hỏi sau:
Việc thực tập này có phù hợp với các kiến thức nền tảng học thuật bạn đã được trang bị ở trên ghế nhà trường hay không?
Nếu tham gia vào thực tập, vai trò của bạn sẽ là gì trong dự án/ quy trình phát triển phần mềm/ làm ra sản phẩm?
Bạn có được đào tạo hay không? Lộ trình đào tạo sẽ như thế nào? Bạn sẽ được học những gì, có những giai đoạn nào, yêu cầu đầu ra của từng giai đoạn ra sao, và mentor (người hướng dẫn) của bạn sẽ tham gia thế nào vào quá trình đó?
Điều kiện làm việc có đủ để bạn thực hành và phát huy các kiến thức kỹ năng công việc?
Dự án/ công việc thực này đang sử dụng các stack công nghệ gì? Liệu đó có phải thứ mình hứng thú và muốn được trải nghiệm thực tế? Kiến thức công nghệ ấy có giúp được mình trong việc học tập/ làm đồ án tốt nghiệp trong tương lai hay không?
Vị trí thực tập này có giúp mình tiến xa hơn trên lộ trình nghề nghiệp mong muốn?
Liệu sau khi làm sinh viên thực tập, bạn có cơ hội để trở thành nhân viên chính thức tại đây?
...
(2) Người hướng dẫn (Mentor) & đồng nghiệp
Quá trình thực tập có lẽ cũng như là quá trình mới nảy mầm của một cái cây non. Nếu được chăm bón, uốn nắn, có đủ ánh sáng, đủ nước và chất dinh dưỡng thì cái cây sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh. Nếu thiếu chất, thiếu sự uốn nắn cây sẽ còi cọc, cong queo và không thể phát triển được.
Nếu Training Program cho bạn một con đường thì Mentor chính là người cầm đèn trên con đường đó. Họ là những người đã đi trước, và được tin tưởng để dẫn dắt bạn trở thành đồng nghiệp của mình.
Việc bạn được dạy như thế nào trong quá trình thực tập ảnh hưởng rất lớn đến cách bạn nhận biết và xử lý các vấn đề trong công việc ở tương lai. Hãy tìm hiểu kỹ về mentor bằng cách trao đổi với HR, hỏi han kỹ càng trong các vòng phỏng vấn để chắc chắn rằng bạn sẽ được đi cùng một "người cầm đèn" - Mentor tận tâm.
Trong quá trình training, hãy chủ động hỏi và xin lời khuyên. Bản thân mentor rất có thể đã trải qua vấn đề như bạn, và hỏi đáp chính là cách nhanh nhất để bạn học được kiến thức từ họ.
Ngoài ra, cách mentor xử sự với bạn cũng phần nào phản ánh văn hoá công ty. Đây là vấn đề quan trọng hơn bạn nghĩ, đặc biệt nếu bạn muốn tiếp tục làm việc sau kỳ thực tập.
Bạn cũng hoàn toàn có thể học hỏi bằng cách quan sát và hỗ trợ các anh chị đồng nghiệp khác tại công ty/ dự án.
Ngoài lắng nghe và học hỏi từ Mentor/Leader trực tiếp của mình, hãy dành thời gian để ý về tốc độ xử lý và chất lượng công việc của cả team. Nếu một team có văn hoá cố tình làm chậm để “được” OT, làm cẩu thả cho pass test, đến khi bảo trì dính ai thì người đó chịu, không để tâm code đẹp hay xấu thì dù có lương cao đến đâu, bạn cũng nên rời đi trước khi lối làm việc đó huỷ hoại tư duy của bạn.
Tư duy phát triển và văn hoá học cũng là điều đáng lưu tâm. Liệu mọi người trong công ty có cố gắng tối ưu hoá công việc của họ? Mọi người có cố gắng để làm việc một cách hiệu quả và sáng tạo hơn? Là một người trẻ, hãy thả mình vào một môi trường khuyến khích sự phát triển. Có vậy, bạn mới không uổng phí thanh xuân của mình trong những lối mòn, khiến mình thui chột trong khi tất cả mọi người đều đang tiến lên.
PHẦN III
Ở phần cuối của chuỗi bài về chủ đề: Có nên đi làm thực tập không lương, mình xin chia sẻ thêm 1 số điều mà các bạn sinh viên có thể & nên chuẩn bị để có một kỳ thực tập tốt, có mức lương/ trợ cấp tốt và quan trọng hơn là có những trải nghiệm và học hỏi được nhiều kiến thức để phát triển sự nghiệp bản thân.
4. Làm sao để nhận lương cao ngay khi đi thực tập?
Như đã trình bày ở các phần trước, nếu muốn doanh nghiệp trả lương cho bạn trong quá trình thực tập - tức chấp nhận đầu tư lớn hơn vào bạn - hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một ứng viên có TIỀM NĂNG. Tiềm năng càng lớn thì đầu tư càng cao, đầu tư càng cao thì mức lương, và giá trị đãi ngộ dành cho bạn càng lớn.
Vậy cụ thể, một nhà Tuyển dụng sẽ đánh giá TIỀM NĂNG của một Sinh viên thực tập trên những khía cạnh nào?
- Kiến thức chuyên môn nền tảng: Ví dụ với vị trí Developer sẽ là các kiến thức chung về Computer Science, Software Engineering, kiến thức về cấu trúc dữ liệu và giải thuật, các ngôn ngữ lập trình và Framework cơ bản mà dự án đang sử dụng...
- Kỹ năng làm việc: Khả năng sử dụng ngoại ngữ, Kỹ năng giao tiếp, Báo cáo, trao đổi và làm việc nhóm; Kỹ năng tự học, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, xung đột mâu thuẫn, kỹ năng thuyết trình...Đó toàn bộ đều là những kỹ năng mà một người làm việc chuyên nghiệp cần có.
- Thái độ với công việc: Thái độ làm việc chuyên nghiệp: đúng giờ, đúng deadline... chăm chỉ, sẵn sàng học hỏi trau dồi kiến thức, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ quan điểm, không ngại khó, ngại khổ
Đặc biệt đối với sinh viên thực tập thì yếu tố thời gian làm việc - thực tập cũng là rất quan trọng để các dự án/ doanh nghiệp đánh giá và xem xét việc có trả lương/ trợ cấp cho các bạn hay không. Nếu bạn có kiến thức, kỹ năng làm việc ở mức khá nhưng thời gian thực tập quá ít / quá ngắn (VD: Tuần chỉ đi thực tập 1-2 buổi, lịch không cố định; thực tập ngắn hạn 3-4 tuần...) thì sẽ rất khó để doanh nghiệp trả lương/ trợ cấp cho bạn. Bởi lẽ:
- Thời gian thực tập/tuần quá ít: Mentor khó gặp mặt hướng dẫn. Giả sử muốn giao cho bạn task gì đó, khi cần checking tiến độ thì lại không gặp được bạn, hoặc các task gấp - daily, nếu bạn ít khi có mặt thường xuyên tại công ty/ văn phòng thì sẽ khó khăn trong việc báo cáo tiến độ, kết quả => Ngại giao việc.
- Thời gian thực tập quá ngắn: Khó để training hoàn thiện hoặc vừa hướng dẫn để bạn quen việc thì kỳ thực tập cũng kết thúc. Coi như công lao đào tạo của dự án/ cty không thu lại được kết quả gì. => Ngại đào tạo chuyên môn sâu.
Do đó, một lời khuyên dành cho các bạn sinh viên khi xác định một công việc thực tập nghiêm túc và muốn nhận lương/ trợ cấp từ việc thực tập đó thì hãy bố trí sắp xếp thời gian, lịch học tập trên trường/ lớp để có thể đi thực tập fulltime hoặc gần Fulltime (tương đương khoảng 80-85% thời gian làm việc quy định của công ty). Đồng thời nên thực tập - làm việc tối thiểu từ 6 tháng - 1 năm trở lên để đảm bảo các công việc được đào tạo sẽ có đủ thời gian thực hành nhuần nhuyễn. Như vậy hiệu quả thực tập cũng sẽ cao nhất và dễ dàng "Deal" được mức lương/ trợ cấp tốt ngay trong quá trình thực tập.
50/40/10: Công thức cho Kỳ thực tập thành công
50% Cho thái độ, 40% cho năng lực và 10% cho khả năng hòa nhập.
(1). THÁI ĐỘ TỐT QUYẾT ĐỊNH ĐẾN 50% KẾT QUẢ CỦA KỲ THỰC TẬP
Mình tin rằng biểu hiện, hành vi tốt trước hết bắt đầu từ một thái độ tốt. Hãy không ngừng tự nhắc nhở bản thân phải duy trì và thể hiện một thái độ tích cực. Thế thì thái độ tích cực bao gồm những gì? Theo mình thì nó là 4 yếu tố: chủ động, trách nhiệm, tôn trọng & trung thực. Cụ thể đây là những nguyên tắc mình đặt ra để luôn tuân thủ các yếu tố này:
Chủ động học hỏi: Thông thường các Mentor/Senior đều rất bận, do đó họ chỉ có thể dành thời gian để hướng dẫn bạn một phần rất nhỏ, còn lại bạn sẽ cần chủ động để học hỏi. Nếu may mắn bạn có thể được thực tập ở dự án có lộ trình training rõ ràng nhưng nếu không thì cũng đừng thất vọng. Hãy chủ động xin từ Mentor các tài liệu liên quan về công việc để nghiên cứu và nghiền ngẫm thật kỹ. Chủ động hỏi các anh chị Mentor/ đồng nghiệp những điều mình chưa biết, chưa hiểu. Học hỏi từ việc quan sát mọi người làm việc và từ các công việc hỗ trợ mọi người.
Sẵn sàng tiếp thu những hướng dẫn, góp ý và luôn dành sự công nhận (một cách khách quan) với ý kiến hay sản phẩm của mọi người. Hãy nói lời cảm ơn nếu được ai đó hướng dẫn xử lý công việc hoặc "được mắng" + chỉ ra lỗi sai, điểm chưa đúng của mình trong công việc.
Làm việc như một nhân viên chính thức: Đừng suy nghĩ "mình là thực tập, mình chỉ cần làm 60% là ok rồi". Không dừng lại ở mức “hoàn thành công việc" mà là hoàn thành theo cách tốt nhất. Nếu cần thiết, và bố trí cân bằng được thời gian học ở trường, hãy sẵn sàng làm thêm giờ để có thời gian nghiên cứu kỹ hơn dự án, nhằm tìm ra cách thực hiện tối ưu hơn.
Dành thời gian quan sát khối lượng công việc của nhóm và mạnh dạn đề nghị hỗ trợ với những phần việc đang quá tải hay còn thiếu, nếu năng lực cho phép.
Trung thực với kết quả công việc mình làm được và thường xuyên báo cáo, phản hồi tới Mentor/ quản lý trực tiếp để xử lý các vấn đề ngay khi phát hiện.
(2) 40% SỰ THÀNH CÔNG CỦA KỲ THỰC TẬP NẰM Ở NĂNG LỰC
Năng lực bao gồm: Kiến thức chuyên môn và kỹ năng công việc được thể hiện qua 2 tiêu chí:
- Khả năng nâng cao năng lực - học hỏi và rèn luyện
- Năng lực thực tế - thể hiện qua kết quả làm việc
Thông thường, mỗi kỳ thực tập sẽ đều gồm 2 giai đoạn trong đó: 1 tuần đến 1 tháng đầu tiên (tùy theo công việc) là giai đoạn đào tạo, huấn luyện chuyên sâu và giai đoạn tiếp theo là giai đoạn để bạn ứng dụng các kiến thức đó vào thực tế.
Với giai đoạn đào tạo nền tảng, hãy tập trung rèn luyện kỹ năng chuyên môn và làm quen thành thục với các công cụ làm việc, tìm hiểu tổng quan về dự án, đơn vị thực tập. Hãy tự xây dựng lộ trình học tập cho các vấn đề liên quan đến chuyên môn và luôn ghi nhớ chủ động tìm hiểu trước rồi mới đặt câu hỏi, để hạn chế tối đa gây phiền nhiễu cho anh chị đồng nghiệp.
Với giai đoạn sau, hãy lưu ý cố gắng áp dụng các kiến thức và kỹ năng học được vào công việc. Lưu ý thường xuyên báo cáo, tham vấn ý kiến từ mentor để học hỏi các "Best Practice" và cải thiện chất lượng công việc. Với vị trí Developer, hãy đọc kỹ các đoạn code của anh chị senior đã viết, tìm hiểu và nghiên cứu tại sao họ lại dùng keyword A chứ không phải B, cách đặt tên biến như nào, Coding Conventions như thế nào, Clean code ra sao...
(3). 10% CUỐI CÙNG DÀNH CHO SỰ HÒA NHẬP VỚI MÔI TRƯỜNG CÔNG TY
Để trở thành một phần của tập thể, “thần chú” của mình là 2C - Cởi mở và Chân thành. Cụ thể là:
Chủ động làm quen và giới thiệu về bản thân, sau đó dành thời gian tìm hiểu về những người đồng nghiệp của mình để tìm ra điểm chung. Sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ họ khi cần.
Lắng nghe những chủ đề mà họ thường thảo luận và quan sát tần suất cùng hình thức họ kết nối (như cách họ dùng bữa trưa thế nào - gọi đồ ngoài hay mang cơm hộp, tham gia các nhóm sở thích: đá bóng, chơi games...) để giúp mình làm quen với họ tự nhiên hơn. Một trong những giá trị quan trọng nhất của việc thực tập đó chính là xây dựng được Net-working, làm quen được với các anh chị senior trong nghề. Có thể sau này bạn không làm ở công ty/ dự án đó, nhưng biết đâu những người anh chị, người bạn ở nơi thực tập sẽ giới thiệu bạn những cơ hội làm việc và hợp tác trong tương lai.
Cuối cùng, sau khi kết thúc từng giai đoạn thực tập (hàng tháng) hoặc kết thúc cả kỳ thực tập hãy tự làm 1 bản “Reflect & Review” (tự đánh giá và nhận xét) với trưởng nhóm (leader) / Mentor trực tiếp để nhìn lại quá trình làm quen công việc vừa qua. Từ đó, tìm ra những điểm tốt, vấn đề gặp phải và rút ra bài học cho mình. Qua đây mình và leader đều có thể đánh giá được bản thân mình còn cách vị trí chính thức bao xa, hay mình đã sẵn sàng với vị trí đó chưa. Và cũng chính bởi hoạt động này, mình nhận được sự công nhận từ sếp ở sự nghiêm túc với công việc cùng với nỗ lực để tiến bộ. Nếu nhận được sự đánh giá tốt từ Mentor/ Leader và mong muốn gắn bó với công việc lâu dài thì hãy mạnh dạn đề xuất ký hợp đồng chính thức với công ty hoặc một mức lương xứng đáng theo năng lực của mình trên thị trường.
Có lẽ sẽ còn rất nhiều điều cần làm để có một kỳ thực tập thành công và được nhận lương trong quá trình thực tập. Tổng kết lại ở cả chuỗi bài viết này, các bạn hãy:
1. Xác định rõ mục tiêu của kỳ thực tập của mình, đâu là yếu tố mình quan tâm nhất ở thời điểm này. Thực tập không phải giai đoạn để cày cuốc kiếm tiền.
2. Không nên đặt nặng quá vấn đề về lương khi thực tập. Không lương - nếu cảm thấy tốt cho mình thì vẫn nên làm. Đừng vội lo người ta "bóc lột" mình.
3. Nếu có lương thì hãy cứ nhận, và làm việc cho xứng đáng với đồng lương ấy. Và tự làm gia tăng giá trị bản thân để công ty sẵn sàng trả mức lương cao để giữ bạn trở thành nhân viên chính thức sau kỳ thực tập hoặc tái tuyển bạn sau khi bạn hoàn thành việc học ở trường.
4. Chủ động học hỏi, mở rộng quan hệ, học cách làm việc chuyên nghiệp và trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân!
Chúc các bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị trong kỳ thực tập và đạt được công việc mơ ước của mình trong tương lai!
Nguồn: Đào Việt Bách
**
Trên đây là phần tổng hợp nội dung của Lapnghiep.net bạn đọc có thể bày tỏ thêm quan điểm, ý kiến về việc đi làm, đi thực tập giai đoạn đầu không có lương dưới phần bình luận để cùng đóng góp xây dựng thêm.
Comments
Post a Comment